Giá vàng tăng vọt
Giá vàng miếng SJC trong phiên giao dịch ngày 27/2 tăng khá mạnh, vọt lên trên 79,5 triệu đồng/lượng (giá bán ra), chỉ thấp hơn chút ít so với đỉnh cao kỷ lục 80,3 triệu đồng/lượng ghi nhận hôm 26/12/2023.
Giá vàng trong nước tăng mạnh trong bối cảnh giá vàng thế giới trên thị trường châu Á hạ nhiệt nhưng tỷ giá USD/VND tại thị trường trong nước lên cao.
Tới cuối giờ trưa 27/2, tỷ giá USD/VND tại Vietcombank được giao dịch ở mức 24.480 đồng/USD (mua vào) và 24.820 đồng/USD (bán ra). Đây là mức cao nhất kể từ đầu năm, tăng khoảng 450-470 đồng mỗi USD.
Tỷ giá USD/VND chỉ còn thấp hơn một chút so với đỉnh lịch sử 24.888 đồng/USD ghi nhận hôm 25/10/2022.
Chênh lệch giá mua - bán vàng có thu hẹp nhưng vẫn rất lớn, lên tới 2 triệu đồng/lượng. Giá vàng miếng SJC rập rình tăng mạnh và cao hơn giá vàng thế giới quy đổi gần 18 triệu đồng/lượng.
Chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế ở mức rất cao dù thị trường vẫn thận trọng với khả năng giá vàng miếng SJC có thể tụt giảm vì chính sách thay đổi. Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẩn trương tổng kết Nghị định số 24 (năm 2012) về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong tình hình mới. Thời hạn là trong quý I/2024.
Trước đó, cuối năm 2023, Thủ tướng cũng có công điện chỉ đạo NHNN về nội dung này. Nhiều người đã tính tới khả năng, Nhà nước có thể bỏ độc quyền vàng miếng và trả vàng về với thị trường.
Tuy nhiên, có một thực tế là vàng miếng SJC chỉ giảm nhẹ được 2-3 phiên rồi tăng trở lại và duy trì ở mức cao hơn giá thế giới 17-19 triệu đồng/lượng trong suốt thời gian từ cuối năm 2023 tới nay.
Vàng trong nước vẫn tăng trong bối cảnh vàng thế giới được dự báo có thể còn tăng và tỷ giá USD/VND trên thị trường trong nước gần đây theo chiều hướng đi lên mạnh mẽ.
Với vàng, biến động giá được nhận định là ảnh hưởng tới nền kinh tế và người dân không nhiều như tỷ giá. Tỷ giá nếu tăng cao sẽ ảnh hưởng tới toàn thị trường tài chính và kinh tế trong nước. Tỷ giá sẽ ảnh hưởng tới ổn định kinh tế vĩ mô, dòng vốn đầu tư gián tiếp trên thị trường chứng khoán, tác động tới cán cân thanh toán và cả giá vàng…
Gần đây, giá USD trên thị trường ngân hàng tăng mạnh, trên thị trường tự do cũng vượt ngưỡng 25.000 đồng/USD. Vậy triển vọng nào cho đồng VND trong năm 2024?
Đồng VND trong năm 2024 sẽ ra sao?
Trên thực tế, đồng USD đã vượt ngưỡng 25.000 đồng/USD trên thị trường tự do từ giữa tháng 1/2024 và vượt xa ngưỡng này trong tuần qua.
Tới chiều 27/2, giá USD trên thị trường tự do đã lên 25.250 đồng/USD (mua vào) và 25.350 đồng/USD (bán ra), tăng khoảng 50 đồng so với phiên liền trước. Trên hệ thống ngân hàng, đồng USD được bán ra chủ yếu ở ngưỡng 24.800-24.835 đồng/USD.
Trước đó, trong phiên 26/2, một số ngân hàng nâng giá bán đồng USD lên 24.850 đồng, cao hơn khoảng 450 đồng so với đầu năm, tương đương mức tăng 1,8%.
Tỷ giá trung tâm hôm 27/2 cũng được NHNN điều chỉnh tăng 10 đồng so với phiên trước đó, lên 24.014 đồng/USD. Với biên độ 5% hiện tại, giá USD tại các ngân hàng thương mại được phép mua - bán trong khoảng từ 22.813 đồng đến 25.214 đồng.
Đồng USD có dấu hiệu tăng nhiệt khoảng một tuần trở lại đây, gây lo lắng cho giới đầu tư.
Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia nhận định đây chỉ là biến động mang tính ngắn hạn.
Chia sẻ với VietNamNet, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tỷ giá có thể có xu hướng tăng trong nửa đầu năm, rồi hạ nhiệt vào cuối năm. Tỷ giá USD sẽ tiếp tục tăng cho đến khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố hạ lãi suất, khi đó tỷ giá USD/VND sẽ tăng chậm lại, thậm chí có thể giảm.
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, thời gian tới, tỷ giá phụ thuộc lớn vào sự thay đổi của chính sách tiền tệ Mỹ và tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Tỷ giá USD/VND cao tạo áp lực lạm phát và ảnh hưởng tới việc hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Ông Hiếu đánh giá, mức tăng 3% là hợp lý và giảm tâm lý lo ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Trung Hưng, một nhà đầu tư chứng khoán, phân tích, tỷ giá chịu áp lực tăng trong bối cảnh chính sách của Việt Nam tập trung vào việc hỗ trợ tăng trưởng. Trong khi đó, Mỹ vẫn chưa đảo chiều chính sách tiền tệ từ thắt chặt sang nới lỏng.
Bên cạnh đó, thanh khoản đồng VND trên thị trường liên ngân hàng vẫn khá tốt, phần lớn thời gian lãi suất qua đêm ở mức rất thấp 0,15-0,2%/năm và kéo dài nhiều tháng qua, chỉ nhấp nhổm tăng lên mức 4%/năm trong một vài phiên gần đây nhưng đang quay đầu giảm trở lại.
Thời gian tới, nếu Nhà nước cho phép nhập khẩu vàng, các doanh nghiệp sẽ phải cần một lượng USD cho hoạt động này.
Trên thế giới, đồng USD vẫn duy trì được sức mạnh so với các đồng tiền chủ chốt khác, trong khi Yen Nhật và Nhân dân tệ Trung Quốc vẫn rất yếu. Chỉ số DXY - đo lường biến động của đồng USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt - ổn định ở mức 103,7-104 điểm.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng, tỷ giá USD/VND vẫn chịu nhiều áp lực tăng trong những tháng đầu năm 2024 do sự phục hồi của đồng bạc xanh trên thị trường quốc tế và chênh lệch dương của lãi suất USD - VND vẫn neo ở mức cao.
Ông Lê Quang Trí - Giám đốc Môi giới CTCP Chứng khoán Nhất Việt - nhìn nhận tỷ giá có thể chịu áp lực tăng trong nửa đầu năm nhưng nhìn chung trong cả năm 2024 là không căng thẳng. Những đợt tăng giá có thể chỉ là cục bộ.
Trong năm 2023, đồng VND giảm khoảng 2,9% so với USD và là một trong những đồng tiền có tính ổn định cao trên thế giới. Theo NHNN, dự trữ ngoại hối Nhà nước cải thiện so với cuối năm 2022.
Kịch bản nào khiến giá vàng lên 110 triệu đồng/lượng?Giá vàng miếng SJC có thể tăng gần gấp rưỡi so với hiện nay lên trên ngưỡng 110 triệu đồng/lượng ngay nửa cuối năm 2024 hoặc nửa đầu năm sau. Vậy đâu là động lực để "đẩy" giá vàng đi lên trong kịch bản này?