Trở lại ngưỡng 80 triệu đồng/lượng
Giữa giờ sáng qua (29/2), giá vàng miếng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn điều chỉnh tăng mạnh thêm 700.000 đồng mỗi lượng cả hai chiều mua - bán so với cuối phiên trước đó, lên 78-80 triệu đồng. Đây là lần đầu tiên trong năm 2024, giá vàng SJC trở lại ngưỡng này.
Trước đó, vào ngày 26/12, giá vàng miếng SJC lập kỷ lục cao ở mức 80,3 triệu đồng/lượng (giá bán ra) nhưng sau đó hạ nhiệt sau khi Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có biện pháp ổn định thị trường vàng.
Khi giá vàng miếng SJC đạt mức kỷ lục 80,3 triệu đồng/lượng, giá vàng thế giới giao ngay ở mức 2.063 USD/ounce. Lúc ấy, giá vàng SJC cao hơn giá vàng thế giới khoảng 18 triệu đồng mỗi lượng. Mức chênh lớn khiến Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phải cũng phải nói thẳng "không thể chấp nhận được” tại họp báo triển khai nhiệm vụ ngành đầu năm 2024.
Và tại thời điểm khi vàng trở lại ngưỡng 80 triệu đồng/lượng, giá vàng thế giới giao ngay ở mức 2.036 USD/ounce. Mức chênh hiện khoảng 18,2 triệu đồng/lượng, tính theo tỷ giá quy đổi Vietcombank ở mức 24.820 đồng/USD.
Như vậy, sau một thời gian giảm giá và chênh lệch thu về có lúc còn 16-17 triệu đồng/lượng, giá vàng miếng SJC lại tăng nhanh trở lại và sắp lập đỉnh cao mới. Mức chênh với giá vàng thế giới tiếp tục được kéo rộng ra.
Người mua dường như không còn e ngại về khả năng giá vàng miếng SJC có thể tụt giảm nếu NHNN có những giải pháp đối với thị trường kim loại quý này. Cơ quan quản lý đang xem xét sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng.
Sau Tết, Thủ tướng Chính phủ một lần nữa yêu cầu NHNN khẩn trương tổng kết Nghị định 24, đưa ra xuất về giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng. Thời hạn là ngay trong quý I. Đây cũng là tín hiệu khiến nhiều kỳ vọng NHNN có thể bỏ độc quyền vàng miếng SJC và trả vàng về với thị trường.
Dù vậy, thực tế cho thấy, sức cầu với vàng vẫn lớn. Giá vàng miếng SJC ra Tết liên tục tăng và có thể lập kỷ lục cao mới bất cứ lúc nào, khi mà giá vàng thế giới nhấp nhổm tăng còn tỷ giá USD/VND khá nóng. Người mua không hề e ngại mức chênh tới 18-20 triệu đồng/lượng so với thế giới.
Giá vàng nhẫn trước đây gần như ngang bằng với giá thế giới quy đổi cũng tăng mạnh trong vài tháng qua và liên tục lập kỷ lục mới trong tuần cuối tháng 2.
Kết phiên hôm qua, vàng nhẫn, vàng nữ trang 24K tăng thêm 100-200 nghìn đồng mỗi lượng và lập đỉnh cao mới. Giá vàng nhẫn trơn tại Bảo Tín Minh Châu lở mức 65,38-66,48 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 200 nghìn đồng/lượng ở cả 2 chiều so với đóng phiên trước đó. Đây là mức cao lịch sử.
Vàng miếng SJC sắp có kỷ lục cao mới?
Bất chấp những cảnh báo vàng miếng SJC có thể giảm mạnh do chênh với giá thế giới quá lớn và NHNN điều chỉnh chính sách quản lý thị trường vàng, nhiều người vẫn mua vàng trong bối cảnh lãi suất tiền gửi được duy trì ở mức rất thấp, dưới ngưỡng 5%/năm.
Theo một số nhà quan sát thị trường, vàng nhẫn tăng vọt trong vài phiên gần đây là do mặt hàng này có giá cao hơn thế giới không nhiều như vàng miếng SJC, mức chênh chỉ 4-5 triệu đồng/lượng. Điều này đồng nghĩa với rủi ro thấp hơn so với mua vàng miếng SJC.
Sức cầu đối với mặt hàng kim loại quý ở mức cao còn do tỷ giá USD/VND gần đây khá nóng. Giá USD sáng 29/2 trên thị trường tự do tăng vọt thêm 80-100 đồng so với chiều qua, lên mức 25.410-25.430 đồng/USD.
Giá bán USD tại Vietcombank sáng 29/2 ở mức 24.820 đồng/USD. Trước đó, khi tỷ giá USD/VND ngân hàng đạt đỉnh lịch sử 24.888 đồng/USD ghi nhận hôm 25/10/2022, tỷ giá trên thị trường tự do có một khoảng thời gian ngắn trong buổi sáng hôm đó lên mức 25.500 đồng/USD.
Thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng khá dồi dào. Lãi suất qua đêm chỉ tăng lên mức 4% trong chốc lát trong tuần trước rồi giảm khá nhanh trở lại. Tín dụng trong tháng đầu năm tăng trưởng âm.
Lãi suất tiền gửi thấp, sự dư thừa của dòng tiền và tỷ giá tăng nóng... có thể là các yếu tố đẩy giá vàng đi lên.
Giá vàng trong nước còn được hỗ trợ bởi triển vọng tích cực của vàng thế giới trong bối cảnh thế giới tiềm ẩn nhiều bất ổn.
Theo Ngân hàng HSBC, vàng được coi là một kênh đầu tư an toàn trong dài hạn khi bất ổn địa chính trị gia tăng. Những căng thẳng và xung đột tại Ukraine và Trung Đông sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế và các thị trường tài chính toàn cầu.
Cũng theo HSBC, vàng đã có được vai trò trú bão trong 2 năm qua nhưng điều này sẽ còn tiếp diễn.
Bên cạnh đó, James Steel, nhà phân tích kim loại quý đến từ HSBC cho rằng, thế giới đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng gia tăng. Nó sẽ tăng thêm tình trạng hỗn loạn địa chính trị.
Đó là các thảm họa tự nhiên, bao gồm các cơn bão tại Malawi, Mozambique, Myanmar, Pakistan hay vụ cháy rừng ở Canada... trong năm qua. Cuộc khủng hoảng khí hậu được xem là rủi ro lớn nhất với thế giới trong dài hạn. Nền kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng. Hầu hết những gì xấu tác động tới kinh tế thế giới, vàng sẽ tăng giá.
Trên Kitco, Bob Minter, Giám đốc Chiến lược Đầu tư tại Aberdeen Standard Investments, cho biết, vàng sẽ tăng mạnh khi các ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục đẩy mạnh mua mặt hàng này như vài năm qua.
Theo Bob Minter, đang có một chiến lược xoay trục khỏi đồng USD trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị. Minter cho rằng, việc sử dụng đồng USD như một công cụ trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, trải qua 4 chính quyền tổng thống, đã thúc đẩy các nước thị trường mới nổi đa dạng hóa dự trữ ngoại hối của họ.
Gần đây, có rất nhiều dự báo giá vàng sẽ lên mức 2.200 USD/ounce trong năm 2024. Một số dự báo thậm chí cho rằng, vàng có thể lên 3.000 USD/ounce. Khi đó, với mức chênh 20 triệu đồng/lượng, giá vàng sẽ đạt mức 110 triệu đồng/lượng.
Giá vàng hôm nay 29/2/2024 tăng vùn vụt, vàng SJC có lúc vọt qua 80 triệu đồngGiá vàng hôm nay 29/2/2024 trên thế giới tăng trở lại. Giá vàng trong nước SJC vụt tăng theo, có thời điểm vọt qua mốc 80 triệu đồng rồi lại giảm còn 79,7 triệu đồng/lượng. Vàng nhẫn liên tục lập đỉnh cao mới.